image banner
Xã Pá Ma Pha Khinh đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng
Lượt xem: 717

    Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Pá Ma Pha Khinh huyện Quỳnh Nhai luôn chỉ đạo bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, trong đó xã tập trung tận dụng diện tích lòng hồ sông Đà nhằm khai thác, phát triển mô hình nuôi cá lồng, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.

    Pá Ma Pha Khinh là một trong những xã có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi cá lồng, với diện tích mặt nước trên 2.500 ha, nhiều năm qua, bà con trong xã đầu tư nuôi cá lồng với số lượng ngày càng lớn. Hiện, toàn xã có 320 lồng cá, tăng 100 lồng so với năm 2023, tập trung nuôi các loại cá như: cá lăng, chép, trắm đen, rô-phi, nheo...

anh tin bai

(Nhiều hộ dân bản Khoang xã Pá Ma Pha Khinh làm giàu từ nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La)

    Ông Lò Văn Đội, Chủ tịch UBND xã Pá Ma Pha Khinh cho biết: “Thời gian qua, người dân trong xã đã biết tận dụng lợi thế về nguồn nước, khí hậu để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, nhất là nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Trong quá trình nuôi, không xảy ra hiện tượng cá chết do sặc bùn cũng như thiếu ôxy. Nhận thấy cá ở đây sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Từ việc nuôi cá lồng nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, như hộ ông Lường Văn Phiến, Lường Văn Lả, Lừ Văn Lẩu (bản Khoang), hộ ông Lò Văn Doanh (bản Pá Le)có thu nhập từ 50 -100 triệu đồng/năm”.

    Nhằm đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền nhân dân tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề nuôi cá lồng. Phối hợp ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Tuy nhiên, để mô hình nuôi cá lồng phát triển hiện quả, xây dựng được thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các hộ hiện phát triển mô hình theo quy mô nhỏ lẻ; quy trình sản xuất theo hướng truyền thống, chưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các hộ nuôi cá lồng chưa liên kết, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Do đó công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa được quan tâm, chú trọng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu do tư thương thu mua, giá thành một số thời điểm không ổn định.

anh tin bai

(Mô hình nuôi cá lồng của hộ ông Lường Văn Phiến bản Khoang mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm)

    Ông Lò Văn Đội, Chủ tịch UBND xã Pá Ma Pha Khinh khẳng định: Mô hình nuôi cá lồng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, giúp hộ dân nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, để cá lồng thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xã mong muốn chính quyền các cấp, sở, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ điều kiện tốt nhất giúp người dân ổn định sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Song song với nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó quyết tâm xây dựng thương hiệu cá lồng trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, giúp nhân dân giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương./.. Đình Hải

Tác giả: Bùi Đình Hải
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập